Ngày nay, thị trường xe điện ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tính đến năm 2018, các trạm sạc công cộng cho xe điện được lắp đặt trên thế giới vào khoảng 500.000 trạm, tập trung chủ yếu tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Na Uy, và Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ bé so với số lượng xe điện đang được lưu hành hiện nay với hơn 250 triệu chiếc. Các nguồn điện sử dụng tại các trạm sạc này chủ yếu được lấy từ lưới điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và do đó, trên thực tế đã làm gia tăng áp lực lên nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và quá trình biến đối khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp. Để giải quyết tình trạng này, sự kết hợp giữa điện mặt trời và trạm sạc là một trong những cách phát triển bền vững cho ngành giao thông vận tải nói chung và thị trường xe điện nói riêng trên toàn thế giới.
Trên thế giới
Về mặt công nghệ, trạm sạc sử dụng điện mặt trời là sự kết hợp giữa các tấm pin mặt trời trên mái (rooftop) và một trạm sạc điện bên dưới (Hình 1). Và xe điện sử dụng điện lấy từ năng lượng mặt trời thải ra ít hơn 96% khối lượng các chất gây ô nhiễm so với xe điện sử dụng lưới điện lấy từ nhiên liệu hóa thạch (với 4% các chất ô nhiễm còn lại là từ phanh và mòn lốp). Ngoài ra, điện mặt trời không gây các ô nhiễm về tiếng ồn, ô nhiễm hóa học, hay các chất phóng xạ trong quá trình sử dụng.
Hình 1. Sơ đồ của trạm sạc điện mặt trời nối lưới cho xe điện
Về mặt doanh thu và lợi ích, các trạm sạc điện mặt trời hoàn toàn có thể được lắp đặt tại nhiều địa điểm khác nhau như nơi làm việc, trung tâm mua sắm, nhà hàng, đường cao tốc, trung tâm giải trí, công viên,…
Tại các địa điểm như là các trường học, bệnh viện hay cơ quan chính phủ, các trạm sạc sẽ hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận. Bên cạnh nguồn thu từ dịch vụ đỗ xe của học sinh, sinh viên, giảng viên và nhân viên, các lợi ích đến từ trạm sạc có thể là từ ưu đãi thuế, quảng cáo, cải thiện hình ảnh cho nhà đầu tư, giảm lượng khí thải nhà kính, giảm hóa đơn tiền điện với lượng điện mặt trời được tạo ra và khuyến khích gia tăng số lượng xe điện và sự phát triển của các lĩnh vực liên quan đến xe điện tại địa phương.
Tại các trung tâm mua sắm, nhà hàng, câu lạc bộ, hộ kinh doanh…, các trạm sạc sẽ hoạt động như là một dịch vụ thu hút khách hàng cho chủ doanh nghiệp tại chỗ. Sự kết nối giữa chủ doanh nghiệp và chủ sở hữu trạm sạc cũng sẽ giúp chia sẻ chi phí lắp đặt trạm sạc và mang lại lợi ích tài chính cho cả hai bên. Đối với các chủ doanh nghiệp, các khách hàng sẽ sử dụng trạm sạc cho xe điện của họ trong khi mua sắm, ăn uống và giải trí tại các tụ điểm này, qua đó gia tăng lượng khách hàng và cải thiện hình ảnh. Và với các chủ sở hữu trạm sạc, bên cạnh lợi nhuận thu về từ việc sử dụng trạm của khách hàng, họ còn nhận được các lợi ích như cải thiện hình ảnh, quảng bá thương hiệu, bán điện và nhận được các ưu đãi về thuế. Đối với khu vực lắp đặt trạm sạc, các lợi ích thu có được sẽ đến từ việc cải thiện chất lượng không khí và khuyến khích sự phát triển của thị trường xe điện tại địa phương.
Tại các trạm đỗ xe công cộng, việc tích hợp các trạm sạc ở đây sẽ thu hút các khách hàng dùng xe điện, cải thiện chất lượng không khí và hình ảnh của địa phương. Các khách hàng tại đây đa phần là khách du lịch đến từ các cộng đồng xung quanh, và vì vậy sẽ góp phần khuyến khích các hoạt động kinh tế tại địa phương. Sự kết nối giữa cộng đồng địa phương, chính phủ và doanh nghiệp tại đây sẽ góp phần trang trải chi phí lắp đặt, vận hành và giảm thời gian hoàn vốn cho trạm sạc thông qua các ưu đãi về thuế, hoạt động bán điện và nguồn thu ngân sách từ thuế bán hàng, dịch vụ.
Và cuối cùng là tại các trạm sạc công cộng, đây là hình thức kinh doanh thu lợi nhuận thực sự từ các hoạt động của chính trạm sạc. Hình thức hoạt động của trạm sạc này tương tự như các trạm kinh doanh tiếp nhiên liệu xăng dầu hiện nay, tuy nhiên chi phí được tính theo giờ hoặc theo kWh điện được sử dụng. Doanh thu có được từ các mô hình này có thể được sử dụng để trang trải chi phí lắp đặt, vận hành, bảo trì và giảm thời gian hoàn vốn cho trạm sạc. Các trạm sạc công cộng này cũng có thể kết nối với các doanh nghiệp khác để chia sẻ chi phí lắp đặt, vận hành và bảo trì trạm trong khi các doanh nghiệp đó có thể nhận được lợi ích từ việc cải thiện hình ảnh, quảng bá thương hiệu và các hoạt động quảng cáo khác. Các hoạt động bán điện khi sản xuất dư thừa cũng là một lựa chọn tài chính để gia tăng nguồn thu nhập.
Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, những năm gần đây, xe điện đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều với số lượng xe điện đã lên tới gần 3 triệu chiếc, bao gồm cả xe đạp điện, xe máy điện và xe ô tô điện, tập trung chủ yếu tại các khu đô thị lớn. Việc áp dụng các mô hình kinh doanh của trạm sạc điện mặt trời tại Việt Nam cũng rất thuận lợi do các điều kiện về tiềm năng năng lượng mặt trời cao và theo đúng định hướng phát triển Năng lượng tái tạo của chính phủ. Mặc dù vậy, hiện nay, số lượng trạm sạc điện công cộng là rất ít, chưa đến 10 trạm, và hầu hết là lấy điện từ lưới điện quốc gia sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Dễ nhận thấy rằng, xe điện và trạm sạc cho xe điện ở Việt Nam vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức của của các cơ quan có thẩm quyền. Các chính sách dành cho xe điện và cơ sở hạ tầng dành cho chúng vẫn còn thiếu và chưa đủ mạnh. Và điều này đã gây ra những rào cản cho việc phát triển rộng khắp mạng lưới xe điện trên toàn quốc, đồng thời tác động không nhỏ tới định hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững cho ngành giao thông vận tải tại Việt Nam.
Nguồn tin: Lê Thị Thúy Hằng – VKHNL